Tôi đến tìm anh vào cuối chiều, khi bầu trời đang vần vũ mây đen báo hiệu một
trận giông lớn và sau hơn một chục cuộc điện thoại mà không được trả lời. Ngôi
nhà làm việc năm tầng của cơ quan anh rất vắng vẻ. Sự vắng vẻ ấy càng rõ rệt khi
nó nằm sau một khoảng sân lớn có những cây xà cừ đứng lù lù đang đổ đầy lá mà
chẳng có bóng người nào. Nói là đến tìm anh, thực ra tôi không dám đến gần
chứ đừng nói là bước qua cái cổng sắt màu xanh cũ kỹ, có ông bảo vệ già đầu hói
kính trễ đến gần chóp mũi. Qua hàng rào, nhìn vào nhà xe ở phía bên kia góc sân,
thấy chỉ còn vài chiếc xe. Không có xe anh. Có rất nhiều câu hỏi đan xen trong
đầu tôi, chúng làm nóng lên từng mao mạch nhỏ nhất. Rút điện thoại ra gọi, cuối
cùng đầu kia anh đã alô. Kết thúc cuộc điện thoại, những câu hỏi của tôi đã được
trả lời. Đơn giản chỉ là chiều nay anh phải về sớm đón con thay vợ. “Em về đi.
Nhớ cơm nước cẩn thận nhé! Tối anh đưa Thảo My đi học nhạc, trong lúc chờ con
bé, anh sẽ qua nhà em!” đó là câu nói vội vã cuối cùng tôi nghe trước khi lỗ tai
đầy những tiếng tút tút. Thở dài, thấy sao chán thế! “Mình sẽ lang thang rồi ăn
gì đó, không về nhà nữa, muộn mới về!” Cảm giác mình thừa thãi khiến tôi quyết
định như thế. Tôi quay xe. Gió bốc từng đám bụi lớn trên mặt đường tung lên
không gian, quất vào mặt bỏng rát. Bắt đầu có những hạt mưa lớn rơi. “Kệ, mình
vẫn sẽ đi!”, tôi tự nhủ lòng như thế. Chạy thật nhanh đến một quán quen gần
nhất khi mưa đủ làm ướt vạt trước áo và ướt những sợi tóc loà xoà hai bên má,
tôi tự chọn cho mình một bữa tối nhẹ nhàng với món mỳ Ý và một ly vang đỏ.
Chuông điện thoai reo, phía đầu kia là tiếng Kiên: “Thuỳ về nhà chưa, hay đang ở
đâu đấy? Giông to quá, Kiên sợ Thuỳ chưa về đến nhà!” Tôi vẫn trả lời cậu bạn
quý bằng cái giọng nhăn nhở như mười năm về trước, lúc hai đứa ngồi học cùng một
bàn: “Trời chừa chỗ đầu Thuỳ ra rồi, Kiên đừng lo!”. Tôi biết, sau câu chào là
một tiếng thở dài và vẻ mặt buồn bã của Kiên. Rất nhiều năm rồi, vẫn thế. Rồi
buổi tối cũng qua đi, tôi chỉ có một dòng tin nhắn ngắn ngủi của anh rằng mưa
lớn nên anh không đưa con đi học, không ghé qua chỗ tôi được. Không phải lần đầu
tiên như thế, điều đó tôi rõ hơn ai hết. Tôi trở về căn phòng nhỏ của mình,
trong lòng đầy ắp cảm giác buồn, trống trải và chút hơi men lâng lâng. Ngoài
trời, giông đã ngưng từ lâu và mưa cũng đã tạnh. Úp mặt xuống gối, tôi cố ru
mình vào giấc ngủ. Ngủ để rồi lại chờ ngày mai thức giấc. Tôi gặp anh lần đầu
tiên trong một cuộc hội thảo ở Đà Nẵng. Lúc đó, tôi mới hai mươi lăm tuổi và là
phiên dịch cho một công ty của Đức – là đơn vị tổ chức ra buổi hội thảo nhằm
quảng bá cho một dây chuyền sản xuất giấy theo công nghệ mới. Anh khi đó là cán
bộ đại diện cho viện nghiên cứu giấy tham dự hội thảo. Vì có một số điểm anh
quan tâm và muốn trao đổi với công ty tôi nên trong suốt hai ngày hội thảo và
nhiều ngày sau đó, khi đã trở về Hà Nội, tôi có cơ hội làm việc cùng anh với vai
trò là phiên dịch. Trái tim hai mươi lăm tuổi chưa một lần yêu của tôi đã thực
sự ngã gục trước anh, người đàn ông ba mươi tư tuổi, chỉ sau bốn tháng cùng làm
việc. Và bằng sự thông minh của mình, tôi cũng bắt đầu nhận ra sự vui tươi, sôi
nổi nơi tôi đã thổi vào cuộc sống bình lặng của anh một làn gió mới. Tôi với
anh bắt đầu có những cuộc gặp hoàn toàn không phải là vì công việc. Tôi biết anh
đã có gia đình. Cuộc sống gia đình của anh êm đềm đến nỗi như anh nói “Gặp em,
anh mới biết không phải êm đềm đã là hoàn hảo!”. Khi đó, tôi đã im lặng, không
đưa ra bất cứ một lời nhận xét nào về những gì anh nói về vợ anh, về gia đình
anh. Sau này, khi đã thực sự ngã vào vòng tay nhau, anh mới nói với tôi rằng
chính sự im lặng đó của tôi đã kéo trái tim anh về phía tôi sau bao nhiêu dằn
vặt, trăn trở. Những cuộc đi chơi xa ngắn ngày, những bữa cơm trong căn phòng
nhỏ của tôi, những trưa gặp nhau vội vã ngày càng nhiều lên đồng nghĩa với việc
tuổi hai lăm của tôi trôi qua ngày càng xa. Điều đó cũng có nghĩa là sự sôi nổi,
trẻ trung trong tôi bớt dần đi. Và tôi bị giằng xé. Lòng tôi hờn dỗi lắm, mỗi
khi anh quay về để chăm sóc gia đình. Nhưng tôi lại không dám hờn dỗi. Đơn giản
chỉ vì tôi sợ như thế sẽ đẩy anh ra xa tôi. Vậy mà vẫn càng ngày càng có nhiều
hơn những chiều như buổi chiều hôm nay. Không phải tôi đang hối hận, dẫu vì
anh, người đàn ông mà không thể nào tôi có được cho riêng mình, những người từng
yêu, từng say đắm tôi cũng đã ra đi không quay lại; và tuổi thanh xuân cũng đang
dần dần từng năm bỏ tôi đi. Tôi nhận ra mình giống như một đôi giầy vải, rất êm
ái, nhẹ chân khi người ta đã mỏi với giầy da nhưng lại vô cùng nhanh cũ. Khi cô
đơn, tôi đủ tỉnh táo để nghĩ thế nhưng khi bên anh, tình yêu của tôi, sự ân cần
của anh khiến tôi không thể phân biệt hay chính xác là không mảy may nghĩ đến
chuyện giày da hay giày vải nữa. Chỉ còn lại anh, tôi và cảm giác đang được chăm
sóc, che chở… Thực ra đôi khi tôi rất giận anh, tôi không hiểu vì sao anh có
thể dành tình cảm giống nhau cho hai người phụ nữ. Đấy là qua những gì anh nói
về vợ và qua những gì anh thể hiện với tôi, tôi thấy thế. Cũng có khi tôi đặt ra
câu hỏi: “Hay đàn ông là như vậy?” và nghĩ rằng mình đang bị lừa dối. “Người ta
phải yêu bến đỗ êm đềm của mình hơn chứ, dù thế nào đó vẫn là nơi để họ quay về
mỗi ngày mà!”. Tôi vẫn bảo rằng: “Một trăm người đàn ông có bồ thì có đến chín
mươi tám ông nói xấu vợ hoặc than phiền về sự không hạnh phúc trong gia đình.
Anh là một trong số hai người còn lại!”. Đôi khi, ý nghĩ ấy làm tôi đau đớn lắm
nhưng lập tức nó được xoa dịu ngay bởi ánh mắt đầy tình cảm, những câu nói thủ
thỉ mà theo tôi cảm nhận là đầy ắp sự chân thành của anh, người đàn ông lấy vợ
từ năm hai mươi sáu tuổi, khi mà tôi còn là cô học trò cấp ba suốt ngày mơ
phượng hồng và áo trắng. Anh đã từng là một người đàn ông hoàn toàn của gia
đình cho đến trước khi gặp tôi. Và sự thay đổi duy nhất của anh có lẽ là có thêm
tôi trong mỗi ngày của anh, đồng nghĩa với việc mỗi ngày anh phải bớt một chút
thời gian cho tôi, còn trong gia đình, anh vẫn thế: luôn chăm chút cho vợ con.
Trái tim luôn nồng nàn và đầy ắp tình yêu của tôi cũng đã nhiều lần sôi lên cảm
giác hờn ghen với người phụ nữ tôi chưa hề biết mặt và luôn tò mò muốn biết. Sự
kiêu hãnh về sắc vóc thanh xuân giúp tôi vượt qua cảm giác ấy. Nhưng đôi khi,
tôi lại thấy tôi không đúng, bởi cho đến bây giờ, tôi vừa bước qua sinh nhật lần
thứ hai mươi bảy còn người ta đã qua tuổi ba mươi tư. Vậy nên vui làm gì với sự
so sánh ấy. Hơn nữa, tôi cần biết tôi là ai chứ. Những giấc mơ hãi hùng rằng
tôi là kẻ bị nguyền rủa, bị trừng phạt vì đã phá vỡ đi sự êm đềm trong cuộc sống
của một người đàn ông, lấy đi một góc nhỏ trong chiếc bánh hạnh phúc ngọt ngào
của một nguời phụ nữ và hai đứa trẻ đã từng đeo bám tôi nhiều đêm. Tỉnh cơn mơ,
tôi trấn an mình bằng ý nghĩ tôi chưa hề cố gắng để chiếm hữu anh cho riêng tôi,
dù rằng tôi rất muốn. Anh vẫn trở về nhà sau mỗi ngày làm việc; vẫn giúp vợ đưa
đón con đi học một số ngày trong tuần; vẫn có những ngày thức dậy sớm để chuẩn
bị cho vợ một bữa sáng gọn ghẽ….Tôi cũng không biết đâu là cái đích mình cần đi
đến. Sự giằng xé khiến tôi không còn đi thẳng trên đường nữa. Và đã có nhiều
đêm tôi khóc như đêm nay. “Đừng tự huyễn hoặc tình yêu bằng những điều không
thể, Thuỳ ạ!” Cậu bạn thân nhất đã nói với tôi như thế khi hai đứa ngồi bên hồ
Tây buổi chiều. Tôi cảm nhận rõ nỗi buồn của bạn, giống như những đợt sóng đang
dợn lên trên mặt hồ – không lớn nhưng liên tiếp và tưởng như không bao giờ ngừng
lại. Buổi chiều nay là buổi chiều hiếm hoi tôi ngồi với bạn kể từ ngày anh đến
với tôi. Tôi đã từng là kẻ lần đầu tiên đi ăn trộm và hân hoan trong niềm vui vì
vừa đánh cắp được một miếng bánh hạnh phúc ngọt ngào của người khác và say mê
thưởng thức. Nhưng giờ đây, tôi hiểu ra rằng miếng bánh dù lớn đến đâu nhưng là
đồ đánh cắp, tôi dùng mãi nó cũng sẽ nhỏ dần đi, và tôi thì chưa thể, hay không
thể làm ra một chiếc khác. Sẽ chẳng còn lại gì cho tôi nữa cả. “Đàn bà khi
yêu là đang mơ về một cuộc sống mới. Đàn ông cặp bồ là mong muốn người tình làm
cho cuộc sống của mình thêm thi vị”. Tôi hay nghĩ về cái triết lí mà Kiên đưa ra
cho tôi như thế. Có đúng không nhỉ? Tôi khâu nên chiếc túi tình yêu bằng những
sợi chỉ thông minh, bằng vòng tay tuổi thanh xuân đầy mãnh liệt để nhốt anh.
Nhưng có lẽ những chất liệu đó không đủ bền chặt. Tình yêu cho một người đàn ông
có vợ khiến tôi không còn thấy sự thông minh của mình ở đâu nữa, tuổi thanh xuân
thì đang đi qua từng ngày. Và chiếc túi tình yêu ấy không còn đủ sức để giữ anh
ở lại nữa. Sau nhiều đêm gặm nhấm nỗi cô đơn, tôi mới mơ màng hiểu ra điều đó.
“Anh về đi, em không sao mà!” đó là câu đầu tiên và cũng là câu cuối cùng tôi
nói với anh ở trước cổng nhà tôi, sau hơn ba ngày không gặp, kể từ hôm trời mưa
đó. Quay lưng lại rồi, tôi vẫn nhận ra gương mặt anh sọp đi hẳn, râu không cạo.
Tôi biết anh vẫn đang nhìn theo tôi, từ bên ngoài cánh cổng sắt. Đóng cửa lại,
tôi ngồi vào một góc giường, ôm chặt chiếc gối trong lòng và nước mắt bắt đầu
lăn qua má. Có gì đó nghẹn cứng nơi ngực. Tôi khóc thành tiếng, khóc nức nở….
Tôi biết rằng anh sẽ không quay lại.
Tôi lấp đầy khoảng trống những chiều
không có anh bằng những tối đi shopping, đi ăn; có thể là chỉ một mình hoặc cùng
Kiên và một hai đứa bạn thân. Tôi nhận ra là anh không chỉ lấy đi tình yêu nơi
tôi mà còn lấy đi cả sự trẻ trung sôi nổi của tôi nữa. Những cuộc gặp với bạn bè
giúp tôi nhận ra điều đó. Hay tại tôi chưa vượt qua được trạng thái buồn khi
không còn anh ở bên? Tôi cũng không biết. Mỗi khi rời khỏi bàn làm việc, tôi lại
nhận thấy khoảng trống trước mặt mình mênh mông quá. Mỗi khi trở về nhà, dù đang
tỉnh táo hay chếnh choáng hơi men, tôi vẫn nhận ra anh trong những hình ảnh quen
thuộc ở căn phòng tôi ở. Và tôi khóc. “Ngày mai Thuỳ có muốn đi chơi vườn hoa
cải không?” Kiên hỏi khi đang trên đường đưa tôi về nhà”. Mai á?” – Tôi hỏi,
không dấu nổi sự thờ ơ. “Ừ, ngày mai. Bây giờ hoa cải đang nở nhiều lắm, Thuỳ
vẫn ao ước thế mà!”. Kiên vẫn rất hiểu tôi, vẫn nhớ những gì tôi thích. Nhưng có
một điều Kiên không nhớ, đó là khi tôi muốn được chạy nhảy trên một cánh đồng
hoa cải vàng rực là lúc còn 20 tuổi. Hai mươi tuổi, tôi chưa biết rằng trên đời
có anh. Hai mươi tuổi tôi chưa biết thế nào là tình yêu. Hai mươi tuổi, tôi chưa
bao giờ phải khóc vì một người đàn ông. “Không Kiên ạ, Thuỳ mệt lắm! Ngày mai
thứ Bảy, Thuỳ sẽ ngủ đến chiều luôn!” Kiên im lặng. Tôi đề nghị Kiên để tôi
xuống ở đầu ngõ, dù tôi biết Kiên không thích thế. Tôi ngỡ ngàng nhận ra anh
đang đứng trước cổng nhà tôi. Sự ngỡ ngàng làm tôi đứng chết trân còn tim thì
đập loạn xạ trong lồng ngực. Anh bước tới và ôm chặt lấy tôi. Cảm nhận hơi ấm
quen thuộc của anh làm con tim tôi tan chảy. Cố ngăn cho dòng nước mắt không
rơi, tôi đứng thẳng trước mặt anh, đặt hai tay lên cánh tay anh mỉm cười: “Anh
này, em không sao đâu mà, thật đấy! Em vừa đi chơi với các bạn về, vui lắm!”.
Bản thân tôi cũng không hiểu được tại sao tôi có thể nói với anh bằng một giọng
trôi chảy như thế. Anh nhìn tôi từ trên xuống dưới, qua bên phải, bên trái, như
thể sau hai tuần không gặp, tôi có thiếu đi phần nào trên cơ thể không vậy. “Em
ổn thật chứ?” – Câu hỏi này thì lại làm tôi ghét rồi. Nếu như là trước kia, chắc
tôi lại hét lên với anh, nhưng bây giờ, tôi rất kiềm chế. Tôi nhìn thẳng vào
mắt anh, trong ánh sáng không rõ ràng của ngọn đèn đường từ xa hắt lại, tôi thấy
mắt anh như có nước. “Thật mà, anh không thấy là em rất bình thường đấy sao?
Ngày đi làm, tối đi học và đi chơi với bạn? Như thế là rất ổn còn gì?”. “Anh rất
mong là như vậy!”. Câu nói của anh vẫn thế, giọng điệu của anh vẫn thế. Cái
giọng điệu mà đôi khi có thể làm người khác phát điên lên vì tính điềm tĩnh,
đủng đỉnh của nó. “Anh chỉ qua xem em thế nào thôi!”. “Vậy thì từ giờ anh không
phải qua nữa đâu!” – tôi cười. Nếu là ngày xưa, câu nói của tôi tưởng như sẽ vỡ
ra bởi nó mọng đầy những hờn dỗi, nhưng bây giờ, nó rất nhẹ. Tôi biết anh nói
dối. Anh không thể chịu được sự thiếu vắng tôi trong mỗi ngày của anh, dù chỉ là
một tin nhắn, một tiếng cười. Cũng giống như tôi thôi, hai tuần vắng anh, tôi
không còn là tôi nữa. Nhưng anh hơn tôi, anh còn có một gia đình bên cạnh. Gia
đình ấy cũng được xây nên bằng một tình yêu, cho dù nó chưa được trọn vẹn, thì
vẫn là một bến đỗ bình yên cho anh lúc trở về… Chia tay anh, còn lại một
mình, tôi thấy đêm dài quá! Một chút lưỡng lự, tôi tháo chiếc sim điện thoại
đang dùng ra, thay bằng một chiếc sim mới. Chỉ vài giây trước, sau lệnh coppy
tất cả các contact, sau một chút đắn đo, tôi delete tên anh. Có một cảm giác
thoáng chạy qua làm tim tôi hơi nhói lên. Tôi nhìn quanh, căn phòng đã được thu
dọn gọn ghẽ. Các đồ dùng cá nhân đã được đóng gói, chỉ còn những đồ lớn thì chờ
người tháo ra. Ngày mai tôi sẽ chuyển nhà. Ý tưởng này đến trong đầu tôi rất
nhanh nhưng rồi tôi lại phải trăn trở rất lâu mới quyết định đuợc. Tôi sợ sự
dịch chuyển sẽ làm tan vỡ đi mất những dấu ấn về anh. Nhưng thực sự tôi cần phải
quên. Tôi không thể tiếp tục ở đây để mỗi ngày phải tiếp tục đối mặt với những
ảo ảnh về anh – quen thuộc đến mức đã hằn sâu trong từng trang ký ức. Việc tìm
thuê nhà đã rất khó khăn nhưng cuối cùng tôi cũng tìm được một căn hộ phù hợp ở
phía đầu bên kia thành phố. Tôi định dùng sự thay đổi này để xoá bỏ hoàn toàn
anh trong tôi. Nếu ở lại, tôi không thể chịu đựng đuợc những phút cô đơn khi
nghĩ rằng anh vẫn còn đồ cá nhân mà không đến lấy, anh biết tôi đang ở đây mà
không ghé qua. Tôi hi vọng sự thay đổi này là liều thuốc để vết đau trong tôi
lành dần, không nhức nữa. Nhưng mọi chuyện cũng không dễ như thế. Tôi chỉ
quên qua một đêm ngủ say vì mệt, qua một sáng thức giấc mở toang cửa sổ đón nắng
ngày mới, và khi một mình đối mặt với những việc rất cần bàn tay của một người
đàn ông, khi bị chiếc búa đóng đinh đập vào tay, tôi oà khóc nức nở. Hơn ai hết,
tôi biết nước mắt này không phải vì vết đau của búa, mà ở đâu đó trong tâm hồn
tôi, trong trái tim tôi có một nỗi đau của của sự hờn tủi. Tôi cần sự giúp đỡ,
và tôi gọi cho Kiên khi giọng vẫn còn ngấn nước. Kiên đến, vẫn không giấu nổi
sự kinh ngạc, dù lúc tôi nói địa chỉ qua điện thoại Kiên đã rất ngỡ ngàng. Tôi
biết Kiên đã lao xe trên đường nhanh lắm. “Thay đổi cũng tốt Thuỳ ạ!”, Kiên
nói khi hai đứa kê ghế ra ban công nhìn ra phía xa thành phố. Để khoan đục, treo
lắp một số thứ, tôi và Kiên đã mất gần một ngày với bữa trưa tạm bợ bằng hai cốc
mỳ. Tôi im lặng. Tôi không chắc chắn nhưng tôi cũng hi vọng lời Kiên nói có
thể đúng. Phía chân trời xa, một ráng đỏ vạch lên nền trời sẫm in bóng những toà
nhà cao tầng của thành phố. Hoàng hôn rồi đấy. Tôi cũng hi vọng bằng sự đổi thay
này, nỗi nhớ sẽ ngủ yên trong tôi, đừng thức dậy dẫu qua đêm này, bình minh lại
tới.