Nguyên thường có cái thú là ngồi trước màn ảnh truyền hình để xem chương
trình thời sự. Chẳng phải anh muốn có thêm kiến thức về tình hình trong tỉnh
tuần qua đâu, mà bởi vì trong chương trình thời sự mỗi đêm, người phát thanh
viên chẳng ai khác hơn chính là Quy. Thật là thú vị khi có người yêu xuất hiện
trên ti vi hàng đêm để ngắm nhìn. Rồi chẳng bao lâu khi Quy trở thành "bà xã của
ông Nguyên", Nguyên vẫn không bỏ thói quen ngắm nhìn vợ mình qua màn ảnh nhỏ như
thế.
Nghề nghiệp của hai người hoàn toàn không giống nhau. Quy tốt nghiệp đại học
kinh tế, nhưng có bao nhiêu người có bằng cử nhân kinh tế nên Quy đành phải ở
nhà, mỗi buổi sáng ra phụ bán cho shop quần áo của mẹ. Cho đến khi đài truyền
hình thi tuyển phát thanh viên, Quy cũng nộp đơn cầu may, nhưng kết quả cuối
cùng là đài chỉ tuyển có ba người mà Quy thì đứng... thứ tư. Mặc dù đậu vớt, vận
may lại đến với Quy vì có một cô trong tốp ba người nhờ đoạt giải giọng hát hay
trên sóng phát thanh truyền hình nên đã xin nghỉ việc để vào TPHCM tìm cơ hội.
Thế là Quy có việc làm.
Sau này ông Giám đốc vẫn gật gù cái đầu khi nói chuyện với Quy: "Chú không ngờ
cháu lại là phát thanh viên giỏi. Suýt tí nữa thì một tài năng bị thất nghiệp".
Quy chỉ cười, mỗi lần Quy cười thì hai hạt gạo ở hai bên má cứ rung rung khiến
cho khối chàng trai phải ngẩn ngơ.
Hôm chính thức trở thành phát thanh viên, Quy đã mời Nguyên đi ăn nhà hàng. Ðó
là ngoại lệ, bởi vì từ ngày quen nhau, do phải góp nhặt tiền bạc để làm đám cưới,
cả hai chỉ rủ nhau đi ăn vỉa hè. Bà bán thịt vịt ở Cầu Dứa đều quen mặt hai
người. Khi thấy họ xuất hiện, ngay tức khắc bà đem ra một đĩa tiết canh, một cái
đùi luộc, cổ đầu vịt và một chai bia Sài Gòn, có khi hai người chán ăn thịt vịt,
lại chở nhau đến tận quán nhỏ dựa theo dòng sông Cái, kêu nửa con gà luộc. Quen
Quy, dần dần Nguyên trở nên nghe lời Quy giống như một cậu học trò luôn luôn tin
tưởng tuyệt đối vào những bài giảng của cô giáo. Việc mỗi đêm Quy xuất hiện trên
màn ảnh nhỏ đã khiến cho Nguyên "yên bụng" vì chẳng có anh chàng nào "mắt liếc
ngược liếc xuôi" tán tỉnh Quy. Lễ cưới được tổ chức sau hai tháng Quy về đài
phát thanh truyền hình.
Dáng Quy nhỏ xíu, khi mặc áo dài Quy thật mảnh khảnh và trông yếu đuối làm sao.
Thời đi học, Quy được bầu làm lớp trưởng, những cậu học trò cùng lớp đã tặng cho
Quy một cái tên rất ư là học trò: "Bà lớp trưởng". Mặc dù là con gái, nhưng do
bản tính năng động nên bọn con trai trong lớp đều e dè Quy. Quy mang tính cách
của một người chỉ huy từ thuở đi học về làm vợ Nguyên. Yêu thương vợ, Nguyên gần
như chấp nhận những điều kiện mà Quy đưa ra.
- Anh không được tiêu xài không có kế hoạch. Tiền bạc thời buổi này cần phải
chắt chiu để mua một căn nhà.
Nguyên chống chế:
- Nhưng nhà của bố mẹ cho mình mà. Trước sau thì nó cũng thuộc về mình. Mình mua
nhà làm gì nữa?
Mỗi lần Nguyên phản đối một điều gì, Quy luôn luôn trả lời:
- Em nói anh có nghe không?
Những cuộc nhậu thời độc thân dần lui vào quá khứ từ ngày có Quy. Bạn bè gọi
điện, Quy trả lời rất nhỏ nhẹ: "Em có cấm anh điều gì đâu. Ðó là sự tự nguyện mà".
Chiếc điện thoại di động không còn là phương tiện liên lạc hữu ích của thời đại
thông tin bùng nổ nữa. Nó trở thành công cụ kiểm soát chồng. Việc ngồi trước ti
vi xem vợ lúc đầu là thú vị, khi hết giờ làm việc ở đài, Nguyên mới chở vợ về.
Quy rất vu vơ: "Em mặc chiếc áo màu xanh lên ti vi có đẹp không anh?". "Ðố anh
biết hôm nay em tô son màu gì?".
Ðời sống là những hẹn hò cuống quýt, còn là sự hoàn thiện của cho và nhận. Với
Nguyên, anh từng hứa với Quy khi có được Quy bên cạnh cuộc đời mình, Nguyên sẵn
sàng nghe theo lời Quy. Anh đã hứa như thế trong một buổi chiều mát mẻ, khi hai
người dạo chơi ở ngoại ô, không gian là những đồng lúa đang lên xanh, gió cứ
thổi, gợi cho những vạt lúa lao xao như sóng. Sống với nhau rồi quen. Bạn bè
kháo nhau: "Thôi đừng có rủ thằng Nguyên đi nhậu nữa, bà chằng Nguyên biết được
thì nó ra hè nhà mà ngủ", có người còn đùa cợt với Nguyên: "Này, bà xã của mày
làm gì mà mày sợ dữ vậy?". Lúc đầu là đùa, nghe xong cười, bỏ qua. Nguyên còn
chống chế: "Tao sợ vợ tao chứ tao sợ vợ mày sao mà nhiều chuyện quá vậy?". Rồi
Nguyên bỗng ngạc nhiên, là một tên đàn ông to lớn như mình tại sao bỗng dưng lại
sợ một người đàn bà nhỏ xíu như thế? Quả thật cuộc sống là những điều tưởng
chừng như vô lý mà thực ra lại có lý.
Thời gian trôi biệt giống như những cơn mưa qua, rồi tạnh. Lớp trẻ lớn lên,
chúng lại thế chỗ của lớp trước. Trong đài truyền hình của Quy cũng vậy, vừa có
thêm một số bạn trẻ tuyển vào để làm phát thanh viên. Quy về nói với Nguyên:
- Em sắp được đi Ðà Nẵng học khoá biên tập ba tháng. Anh có mừng không?
Nguyên nói đùa: Mừng.
- Ừ, không mừng sao được khi mà bạn bè rủ đi nhậu không bị vợ ngăn cản. Hàng đêm
không phải ngồi trước ti vi để xem vợ mình nói năng. Chưa hết, rồi mặc sức quăng
quần áo tứ tung trong nhà, ngủ không chịu đánh răng, sáng không chịu chải đầu.
Anh có ba tháng tự do đó. Sướng chưa?
Chuyến xe lửa đêm dừng lại 10 phút. Tay Nguyên vẫy trong bóng đêm Quy không nhìn
thấy. Những ngọn đèn đường ngả màu vàng chiếu rọi khiến cho con đường có chút gì
đó như một bài thơ. Ba năm sống bên nhau, chưa bao giờ hai vợ chồng xa nhau một
bước, chưa bao giờ Nguyên làm điều gì trái ý vợ. Giờ đây anh chỉ có một mình
trong lòng thành phố như anh đã từng ao ước là lúc nào đó mình sẽ thật tự do như
con chim. Nguyên sẽ không sợ Quy nhăn nhó khi chiếc đồng hồ đã chỉ đúng 9 giờ
tối mà anh chưa về, bởi mâm cơm chỉ được dọn ra khi chỉ có hai người. Còn nếu
hôm nào Quy trực đêm trên đài, thì bữa cơm lại sớm hơn thường lệ.
Nguyên không về nhà vội. Bởi đâu có ai nhắc nhở sự trở về của anh đâu? Ðêm đã
đưa Quy đi xa, Quy còn đi xa ba tháng xa lắc nữa kia mà.
Quán lẩu nằm nép mình dưới tán cây me lớn. Chủ quán đã chọn cho quán một cái tên
cũng rất dễ thương: "Quán cây me". Những Ngạn, Tuy, Hà... đủ những thằng bạn
nhậu đều có mặt. Tiếng cười vui ầm ĩ:
- Hôm nay thằng Nguyên phải say. Say cho bõ những ngày sợ vợ. Say cho những ngày
bị cấm uống.
Nguyên uống. Nhưng thói quen uống bia cho say đã mất. Anh nhận ra chốn này không
phải chốn của mình. Say để làm gì? Trước mặt anh là những gương mặt đỏ gay vì
rượu. Nguyên nói:
- Thôi! Tao về.
- Vợ mày có nhà đâu mà về?
Căn nhà thiếu bóng đàn bà rộng thênh thang. Trên chiếc bàn nhỏ đầu giường là tấm
giấy Quy ghi chi tiết những điều Nguyên cần nhớ: "Em đã đặt cơm tháng cho anh.
Quần áo dơ, nhà sẽ do chị Kim bên cạnh qua phụ giúp. Anh cứ coi như còn độc
thân. Khi nào nhớ em thì anh gọi điện kẻo người ta gọi anh là ông chồng sợ vợ".
Anh phì cười. Không biết chiếc điện thoại di động Quy mang theo bên người có mở
máy không? Và không biết tàu có vào khu vực có sóng điện thoại? Nguyên nhấn đại
vào những con số. Tiếng Quy bên kia: "Làm gì khuya khoắt mà anh gọi điện cho em,
bộ anh sợ em kiểm tra hả... ông sợ vợ". Nguyên thì thào trong máy, tiếng anh
theo gió đến tận toa tàu của Quy: "Anh đâu có sợ em, anh chỉ nhớ em thôi. Mới có
một buổi mà anh buồn quá. Anh đi Ðà Nẵng vào tuần sau nhé". Tiếng Quy cười ròn
tan: "Không khéo mấy ông bạn của anh lại nói em bắt anh đi Ðà Nẵng như bắt anh
ngồi trước ti vi..."